Cosmetic Ingredients Skin Care

Glutathione – Chất làm trắng da nguy hiểm hay an toàn

Fierybread - Glutathione Good Or Not - Skin Whitening - Làm trắng da an toàn - Da trắng

Chào các bạn.

Thời gian gần đây có lẽ các bạn được nghe rất nhiều về tiêm trắng, truyền trắng hay sử dụng thuốc uống (có dạng ngậm) trực tiếp vào cơ thể để làm trắng da thay vì phải bôi kem, các sản phẩm điển hình dạng uống như là: Ivory caps, Relumins… Và Glutathione chính là một chất rất phổ biến có mặt hầu hết trong các sản phẩm hay liệu pháp giúp trắng da nói trên.

Nhưng Glutathione có phải là một chất an toàn? Đây thật sự có phải là giải pháp tuyệt vời để làm trắng da mà chúng ta luôn mong đợi hay không? Hay bên cạnh những hiệu quả mang lại, chất làm trắng da này gây ảnh hưởng như thế nào cho người sử dụng? Tác dụng phụ của nó ra sao? Đó là những câu hỏi điển hình mà lâu nay các bạn luôn thắc mắc với mình, bài viết của ngày hôm nay sẽ được giải đáp những thắc mắc của các bạn và nói rõ hơn những điều cần biết về Glutathione nhé.

I/ GLUTATHIONE LÀ GÌ?

Glutathione là một chất mà cơ thể con người có thể tự sản xuất được, nó ở dạng phân tử rất nhỏ và được tìm thấy trong mọi tế bào. Cũng chính vì Glutathione tồn tại trong các tế bào, ở một vị trí chính để trung hoà các gốc tự do nên đây là một chất chống oxy hoá vô cùng quan trọng, có thể gọi là quan trọng nhất cơ thể.

Nó cũng được tìm thấy trong cả các tế bào của hệ thống miễn dịch nên chức năng chống lại bệnh tật là một trong những lợi ích về sức khoẻ mà Glutathione mang lại.

Glutathione tự nhiên có trong nhiều loại thức ăn, đối với những người có chế độ ăn uống đầy đủ thì lượng Glutathione vẫn được cung cấp đủ, nhất là đối với những người ăn nhiều trái cây, các loại rau quả, thịt chưa qua chế biến. Ngược lại, đối với những người không ăn đủ chất thì thường sẽ thiếu Glutathione.

Fierybread - Glutathione Good Or Not - Skin Whitening - Làm trắng da an toàn - Da trắng

II/ NGUYÊN TẮC LÀM VIỆC CỦA GLUTATHIONE

Các tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ của Glutathione giúp giữ cho tế bào hoạt động trơn tru. Ngoài ra chức năng của Glutathione cũng có thể giúp gan lọc những chất không tự nhiên bên trong cơ thể. Đối với những bệnh nhân bị bệnh ung thư, AIDS, hoặc các bệnh rất nghiêm trọng khác, thì bạn sẽ thấy hầu hết là họ đang “kiệt quệ” Glutathione.

Về nguyên tắc tại sao Glutathione giúp làm trắng da, thì các bạn có thể hiểu đơn giản như sau:

Reduced glutathione (GSH) có tác dụng làm trắng da ở người thông qua hoạt động ức chế tyrosinase của nó, điều này làm giảm việc sản xuất melanin, khiến da bạn trắng hơn, nhưng trong trường hợp Glutathione bị oxy hóa (GSSG) thì tác dụng này sẽ không rõ ràng.

III/ NÊN DÙNG GLUTATHIONE NHƯ THẾ NÀO ĐỂ HIỆU QUẢ?

Theo những nghiên cứu mới nhất, Glutathione có thể sẽ không được hấp thu tốt vào cơ thể bằng đường uống, mà cách tốt hơn chính là tiêm vào tĩnh mạch. Ngoài ra có một giải pháp thực tế khác là dùng những chất tiền thân, tức là sử dụng những chất để cơ thể cần để tạo ra Glutathione thay vì tiêm hay uống trực tiếp Glutathione.

Fierybread - Glutathione Good Or Not - Skin Whitening - Làm trắng da an toàn - Da trắng

IV/ AI NÊN CẦN SỬ DỤNG GLUTATHIONE

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh rằng Glutathione có khả năng chống lại hầu hết các bệnh, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến lão hoá, hay nhiều căng bệnh của tuổi già.

Những người bị các bệnh như: ung thư, huyết áp cao, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, đục thủy tinh thể, nam giới vô sinh… vẫn nhờ đến Glutahione với mong muốn có hiệu quả hơn trong việc chữa bệnh

Các nghiên cứu đã được tiến hành đối với bệnh ung thư, các bác sĩ đã so sánh giữa 2 bệnh nhân, một người chỉ được điều trị bằng hoá trị liệu và một người khác được điều trị đồng thời bằng cách tiêm Glutathione vào tĩnh mạch thì kết quả nhận ra là Gultathione không những có ít tác dụng phụ hơn mà tỉ lệ sống cho bệnh nhân cũng tốt hơn.

Nói tóm lại, Glutathione là một loại thuốc chữa bệnh có “tác dụng phụ” là làm trắng da, mục đích chính của nó là vẫn liên quan đến sức khoẻ thế nên mình nghĩ bất kể ai khi tiêm hay uống cũng cần nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

V/ NHỮNG RỦI RO KHI SỬ DỤNG GLUTATHIONE

Nhìn chung, việc sử dụng Glutathione hoặc tiền chất của nó với số lượng hợp lý gần như là khá an toàn, mặc dù cần tránh ở những người bị dị ứng với protein (sữa) và những người đã từng cấy ghép nội tạng.

Tất cả các hình thức của Glutathione uống (thuốc viên, viên nang, chất lỏng, bột, liposomal hoặc ngậm dưới lưỡi) thường có khả năng được dung nạp ở liều lượng khuyến cáo là: 500-1000 mg / ngày trong vòng 6 tháng.

Có một thống kê báo cáo về việc sử dụng Glutathinone cho 38 người lớn khoẻ mạnh (ở độ tuổi 21-62), với liều lượng 500mg / 2 lần / ngày trong vòng 4 tuần thì họ có những tác dụng phụ sau đây:

  • Đầy hơi và phân lỏng (5 người)
  • Tăng cân (1 người)

Nghiên cứu thứ 2 với 13 bệnh nhân xơ nang, các tác dụng phụ Glutathione báo cáo bao gồm (uống kết hợp của 40 và 66 mg/ kg thể trọng / ngày cộng với hít buffered GSH trong 45 ngày):

  • Sốt (1 bệnh nhân)
  • Tiêu chảy (1 bệnh nhân)
  • Tức ngực (1 bệnh nhân)

Về việc sử dụng Glutathione lâu dài có an toàn hay không thì mình chưa thấy có nghiên cứu nào đề cập đến, hầu hết các tài liệu đều ghi rằng việc sử dụng lâu dài chưa được thử nghiệp với quy mô lớn và thời gian chưa đủ dài để đưa ra đánh giá kết luận đúng nhất.

VI/ NHỮNG THẬN TRỌNG KHI SỬ DỤNG GLUTATHIONE

Những thận trọng bên dưới đây sẽ bao gồm tất cả các hình thức sử dụng Glutathione, bao gồm: sử dụng kem bôi, uống, hay tiêm / truyền trực tiếp vào tĩnh mạch.

A/ Những thận trọng khi sử dụng bằng đường uống

  • Có một số nghiên cứu cho rằng nếu sử dụng Glutathione trong thời gian kéo dài có thể làm giảm hoặc thậm chí chấm dứt việc sản xuất tế bào tự nhiên , bởi vì quá trình này được quy định bởi bản thân Glutathione thông qua ức chế enzym gamma-glutamylcysteine ligase (GCL) xúc tác đầu tiên phản ứng trong quá trình tổng hợp Glutathione.
  • Khi Glutathione ngoại bào được chia nhỏ thành các axit amin cấu thành bởi enzym gamma-glutamyltransferase (GGT), glutamate (excitotoxin), có thể tạo ra tác dụng không mong muốn về thần kinh bên trong những người bị đau đầu và đau nửa đầu.
  • Glutathione như mình đã đề cập bên trên, gây ức chế sự tổng hợp melanin (sắc tố chịu trách nhiệm cho da và màu tóc), làm cho da sáng hơn. Đây là một tác dụng phụ của Glutathione để điều trị các rối loạn sắc tố nhưng đồng thời nó cũng có nguy cơ tăng nhạy cảm ánh nắng mặt trời, vì melanin được sản sinh từ một tế bào gọi là melanocytes, đối với cơ thể chúng ta, melanin tự sản sinh để bảo vệ da, chống lại các gốc tự do và tia UV của ánh nắng mặt trời, vì thế khi da tiếp xúc với tia UV thì cơ thể sẽ tự động sản sinh thêm melanin, điều này đồng nghĩa với việc da sẽ bị tối màu đi, nhưng khi sử dụng Glutathione thì melanin đã bị ức chế, khả năng tự bảo vệ của da sẽ bị giảm. Những người có tiền sử ung thư da nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung Glutathione.
  • Những người bị hen suyễn nên cẩn thận khi dùng Glutathione, đặc biệt là ở liều lượng lớn, trong nhiều trường hợp có thể gây shock phản vệ, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Thận trọng đối với những bệnh nhân bị huyết áp thấp, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Ngoài ra các sản phẩm Glutathione thường có chứa các thành phần phụ khác và chất bảo quản có khả năng gây dị ứng, các bạn chú ý đọc kĩ thành phần trước khi sử dụng.
  • Glutathione dưới mọi hình thức có thể không an toàn trong khi mang thai và cho con bú, và có thể không phù hợp với trẻ em. Bạn nên luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi sử dụng.

B/ Những thận trọng khi sử dụng bằng cách tiêm / truyền trực tiếp vào tĩnh mạch

  • Glutathione khi được tiêm / truyền vào cơ thể là cách cung cấp glutathione trực tiếp vào máu không thông qua hệ tiêu hóa.
  • Phương pháp này được dành để điều trị nhiễm độc, bao gồm cả các tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị, và nó được sử dụng trong điều trị các bệnh như HIV / AIDS, Parkinson, tiểu đường loại 2, bệnh viêm gan, thiếu hụt miễn dịch, nhiễm độc kim loại nặng.
  • Khi tiêm / truyền Glutathione vào cơ thể phải được quyết định và thực hiện bởi một bác sĩ y khoa thông qua phân tích tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Fierybread - Glutathione Good Or Not - Skin Whitening - Làm trắng da an toàn - Da trắng

  • Nếu bạn có sức khoẻ tốt, bạn tiêm / truyền Glutathione với mục đích làm trắng sáng da thì nên thận trọng khi sử dụng dài hạn, nó có thể làm giảm hoặc thậm chí chấm dứt việc sản xuất tế bào tự nhiên. Ngoài ra, thuốc để tiêm / truyền là một vấn đề lớn cần quan tâm, bạn phải được kiểm tra sức khoẻ, làm tại những nơi có bác sĩ uy tín để tránh tình trạng nguy hiểm đến bản thân và bị những tác dụng phụ nghiêm trọng không mong muốn.

C/ Thận trọng và tác dụng phụ của Glutathione – bổ sung tiền thân

  • L-cysteine có khả năng gây độc và có thể dẫn đến hypercysteinemia (trường hợp rất hiếm). Sản phẩm chứa L-cysteine trong một số trường hợp có thể không an toàn trong khi mang thai và cho con bú, không thích hợp cho trẻ em. Những người bị viêm loét dạ dày nên đặc biệt thận trọng vì có thể khiến tình trạng dạ dày xấu đi.

Fierybread - Glutathione Good Or Not - Skin Whitening - Làm trắng da an toàn - Da trắng

  • N-acetyl-cystein (NAC), đây là loại phổ biến nhất, còn được sử dụng trong các thí nghiệm y tế và như một loại thuốc bệnh viện dành để cấp cứu những bệnh nhân bị acetaminophen quá liều. Các tác dụng phụ bao gồm:
  1. Nghiêm trọng: Bệnh phổi tắc nghẽn, ho ra máu
  2. Ít nghiêm trọng: Đau họng, tăng bài tiết của phổi, đau, đỏ hoặc sưng miệng, sốt, buồn nôn, ói mửa, chảy nước mũi…
  3. Tác dụng phụ hiếm: viêm da tiếp xúc nghiêm trọng và nổi mề đay.

Fierybread - Glutathione Good Or Not - Skin Whitening - Làm trắng da an toàn - Da trắng

Ngoài ra còn một số chất khác nữa nhưng không phổ biến nên mình không đề cập đến, nhưng một lần nữa, mình khuyến cáo các bạn phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Glutathione dưới bất kì hình thức nào. 

VII/ TỔNG KẾT

Qua những kiến thức bên trên, mình tin rằng các bạn sẽ có cái nhìn sáng suốt hơn về Gluatathione để sử dụng một cách an toàn nhất. Ngoài ra, để làm trắng da thì cũng có một số sản phẩm uống của Vitamin C cũng sẽ giúp hỗ trợ, bài viết về Vitamin C sẽ được mình viết vào thời gian gần nhất nhé. Các bạn có thể theo dõi thông báo các bài viết mới của mình tại Facebook Fierybread by Thuy Vo.

Về vấn đề các chất làm trắng da an toàn khác cũng đã được mình viết cách đây không lâu, nếu các bạn quan tâm có thể tham khảo lại tại đây.

Nhìn chung thật sự thì Glutathione tốt, không xấu trong trường hợp nó được sử dụng với đúng liều lượng, thời gian sử dụng hợp lý, và sức khoẻ của bạn cho phép sử dụng, vì có một số trường hợp như mình đề cập trong bài là dùng thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, chứ ko phải ai cũng vậy. Trường hợp các tác dụng phụ không mong muốn rất hiếm khi sảy ra, mình viết với mục đích để các bạn hiểu rõ hơn về mức độ thận trọng chứ không phải để các bạn hoang mang.

Hy vọng bài viết này sẽ có ích đối với các bạn.

Nếu thích đừng quên Like và Share nhé.

Chúc các bạn luôn xinh.

 

Thông tin tham khảo:

  1. “Glutathione. Your body’s most powerful protector” by Dr. Jimmy Gutman.
  2. “Health and Nutrition Secrets” by Dr. Russell Blaylock.
  3. “Glutathione. The Ultimate Antioxidant” by Dr. Alan Pressman.
  4. Skin-whitening and skin-condition-improving effects of topical oxidized glutathione: a double-blind and placebo-controlled clinical trial in healthy women. Watanabe F, Hashizume E. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2014 Oct 17;7:267-74.
  5.  Reduced intravenous glutathione in the treatment of early Parkinson’s disease. Sechi G, Deledda MG, Bua G et al. Prog Neuropsychopharmacol Biol Psychiatry. 1996 Oct;20(7):1159-70.
  6.  Randomized, double-blind, pilot evaluation of intravenous glutathione in Parkinson’s disease. Hauser RA, Lyons KE. Mov Disord. 2009 May 15;24(7):979-83.
  7.  High-dose intravenous glutathione in man. Pharmacokinetics and effects on cyst(e)ine in plasma and urine. Aebi S et al. Eur J Clin Invest. 1991 Feb;21(1):103-10.
  8.  S-nitrosoglutathione. Broniowska KA et al. Biochim Biophys Acta. 2013 May;1830(5):3173-81.
  9.  The effects of S-nitrosoglutathione on platelet activation, hypertension, and uterine and fetal Doppler in severe preeclampsia. Lees C, Langford E et al. Obstet Gynecol. 1996 Jul;88(1):14-9.
  10. Effects of oral glutathione supplementation on systemic oxidative stress biomarkers in human volunteers. Allen J, Bradley RD. Journal of Alternative and Complementary Medicine, September 2011; 17(9):827-33.
  11.  Improvement in clinical markers in CF patients using a reduced glutathione regimen: an uncontrolled, observational study. Visca A, Bishop CT et al. Journal of Cystic Fibrosis, September 2008; 7(5):433-6.
  12. A clinical trial of glutathione supplementation in autism spectrum disorders. Kern JK, Geier DA, Adams JB et al. Medical Science Monitor, December 2011; 17(12):CR677-82.
  13. “Another piece of the dysbiosis puzzle – sulfur, and sulphate reducing bacteria” by Dr. Tim Gerstmar of Aspire Natural Health.
  14. “Gut Flora, Nutrition, Immunity and Health” edited by Roy Fuller, Gabriela Peridigón. p. 214 – Metabolism of sulfur-containing compounds.
  15. Inhibitory mechanism of melanin synthesis by glutathione. Matsuki M, Watanabe T. Yakugaku Zasshi. 2008 Aug;128(8):1203-7.
  16. Glutathione as a depigmenting agent: an overview. Villarama CD, Maibach HI. Int J Cosmet Sci. 2005 Jun;27(3):147-53.

 

You Might Also Like

5 Comments

  • Reply
    Mei Ngan Nguyen
    June 30 at 5:41 pm

    C ơi, cho e hỏi font chữ c đang dùng trên trang này tên j vậy ah?

  • Reply
    Quyen Huynh
    June 30 at 6:32 pm

    Bài viết rất hay và cần thiết cho những bạn đang sử dụng,Chị thấy loại này đang được bán rất nhiều và giá cũng đang giảm nữa,,,nhưng dù sao,phải dùng có chọn lọc và có hiểu biết.Cảm ơn em

  • Reply
    Linh Nguyễn
    July 2 at 4:20 pm

    Bài viết rất hay và chi tiết. Mình cũng đang dùng cái này. Thấy khá hiệu quả nhưng không biết sau này có ảnh hưởng gì không.

  • Reply
    Minh Thư
    May 24 at 1:20 am

    Cảm ơn chị vì bài viết hay và bổ ích này.

  • Reply
    Giải pháp điều trị nám da - tàn nhang - thâm mụn – Fierybread
    May 21 at 11:34 pm

    […] Sử dụng thuốc uống chứa axit tranexamic và glutathione. Các bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về Glutathione thông qua bài viết của mình tại đây nhé. […]

  • Leave a Reply