Skin Care

Những điều cần biết về lăn kim

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

Chào các bạn.

Dạo gần đây thì phương pháp làm đẹp bằng lăn kim đang rất phổ biến ở Việt Nam. Ở bất cứ spa hay clinic nào các bạn cũng có thể nghe về phương pháp này, nhưng qua những lời quảng cáo và giới thiệu rất “ngọt ngào” sẽ có bạn tin, có bạn lại ngờ vực về hiệu quả của nó. Lăn kim thật ra cũng không là một khái niệm mới mẻ đối với những người quan tâm, tìm hiểu về làm đẹp, nó có từ khá lâu rồi và hiện nay thì xuất hiện thêm rất nhiều phương pháp, công nghệ làm đẹp khác nên chúng ta thường bị hoang mang không biết lựa chọn phương pháp nào để phù hợp.

Nếu để nói về hầu hết các công nghệ làm đẹp thì có lẽ mình phải mất hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm mới có thể liệt kê ra hết được, bởi vì các công nghệ luôn luôn có sự thay đổi, cải tiến theo thời gian. Thực tế là đợt vừa rồi về Việt Nam mình có ghé thăm clinic của chị Gào được chị ấy giới thiệu, tận mắt thấy những công nghệ và máy móc mới nhất hiện nay, đối với nghành học, sở thích của mình thì thật sự cảm thấy vô cùng thích thú và hào hứng nhưng rất tiếc là mình không có đủ thời gian để trải nghiệm vì mình phải bay sang Úc trong sáng ngày hôm đấy luôn. Nhưng các bạn yên tâm là sắp đến về Việt Nam trở lại thì mình sẽ cố gắng dành thời gian trải nghiệm và review nhé. Mình tin một điều rằng, ngoài các bí quyết chăm sóc sắc đẹp, skincare routine đầy đủ… thì các công nghệ, máy móc làm đẹp chính là sự hỗ trợ đắc lực để giữ lại vẻ đẹp, sự trẻ trung cho chúng ta.

Không dài dòng nữa nhé, trong chuỗi bài viết về các công nghệ làm đẹp, hôm nay mình sẽ bắt đầu với phương pháp lăn kim.

I/ LĂN KIM LÀ GÌ?

Lăn kim là một thuật ngữ chung cho quá trình di chuyển một thiết bị đặc biệt trên da của bạn, thiết bị đó có một con lăn với nhiều mũi kim nhỏ gắn trên nó (thường là kim loại). Có nhiều loại khác nhau của các thiết bị lăn kim với tên sản phẩm khác nhau. Thứ nhất là là dụng cụ lăn kim bằng tay (thủ công) được gọi là Dermaroller. Ngoài ra còn có các thiết bị được vận hành bằng máy như Dermapen hoặc Dermastamp. Hầu hết các thiết bị lăn kim đều có cơ sở khoa học hợp lý cho thấy chúng có thể giúp làn da của chúng ta trong việc làm giảm sự xuất hiện của những vết sẹo, nhưng về khả năng hỗ trợ trong việc chống lão hoá, giảm các nếp nhăn thì rất ít, về việc trẻ hoá cho làn da thì công nghệ PRP (Platelet Rich Plasma) làm việc tốt và có hiệu quả hơn lăn kim. Cụ thể các thiết bị lăn kim được mô tả như sau:

  • Dermarollers giống như con lăn sơn nhỏ, nó có một vòng quay xi lanh (ống) với ít nhất 200 kim nhỏ trên đó và một tay cầm để di chuyển xung quanh mặt của bạn.

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

  • Dermapens nhìn giống như một cây bút, với đầu tròn có nhiều kim. Đầu của dụng cụ này và kim được gắn vào một động cơ điện nhỏ. Kim của thiết bị này sẽ di chuyển theo chiều lên xuống trên mặt của bạn.

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

  • Dermastamps có hình dạng giống Dermapens nhưng có một đầu lớn hơn với nhiều kim. Dermastamps có thể có động cơ hoặc không có động cơ và làm việc chính xác như tên của nó. Thay vì kim lăn trên da, bạn “đóng dấu” kim vào da (máy sẽ làm kim di chuyển lên xuống). Nó khá là giống với máy xăm, nhưng  thay vì 1 kim duy nhất đâm trên da thì Dermastamps sẽ với nhiều kim đâm trên da cùng một lúc (tất nhiên là không có mực như máy xăm).

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

II/ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA LĂN KIM

Về nguyên tắc hoạt động của lăn kim nếu để giải thích một cái rõ ràng, cụ thể nhất từng nguyên tắc cho từng tác dụng thì rất là dài và khó hiểu, nên mình sẽ rút ngắn lại nguyên tắc chung của liệu pháp này một cách ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu nhất nhé.

Phương pháp lăn kim cho dù làm bằng tay hay máy thì cũng đều theo một nguyên tắc hoạt động là tạo ra các vi tổn thương để kích thích cơ thể tăng sinh tế bào. Như mình đã nói bên trên phương pháp này sử dụng một bánh lăn hoặc bút chứa rất nhiều đầu kim rất bén, rất nhỏ, làm bằng thép không rỉ, dùng trong y khoa.

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

Khi lăn kim trên da, làn da phản ứng với những vết kim này như là những vết thương và tạo ra nhiều yếu tố làm lành da, trong đó, chủ yếu là sự tái tạo phát triển mô da. Nhưng các kim lăn rất bén và mỏng nên không thể phá vỡ các mô và lớp màng của da cũng không thay đổi. Tuy nhiên, các kích thích thần kinh này sẽ được các luồng điện chuyển đi, kích thích quá trình làm lành vết thương.

Các tế bào da trong phạm vi bán kính từ 1 – 2 mm xung quanh khu vực châm kim, phóng các tín hiệu tăng trưởng đến các tế bào đồng nhất. Những tín hiệu này quay trở lại kích thích sự tăng sinh tế bào mới, nguyên bào sợi chuyển thành sợi collagen và elastin.

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

Nhiệm vụ của nguyên bào sợi là di chuyển đến điểm tổn thương thực thể và chữa lành vết thương. Sự hình thành sợi mới này có mối liên hệ với độ dày của da và làm đầy các vết sẹo. Chu trình tăng sinh này kéo dài và kết thúc trong tám tuần.

III/ TÁC DỤNG CỦA LĂN KIM VÀ CHIỀU DÀI KIM TƯƠNG ỨNG

Theo như những thông tin mình tìn hiểu được, dưới đây là những tác dụng của lăn kim khi bạn sử dụng chiều dài của loại kim tương ứng. Mình không khẳng định tất cả những tác dụng này là có thật. Phần bên dưới mình sẽ giải thích cụ thể hơn một số tác dụng đáng nghi ngờ.

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

  • Tăng cường sự xâm nhập của các sản phẩm chăm sóc da hay tăng trưởng tóc: Chiều dài kim tối đa 0,3 mm trên mặt và 0,5 mm trên phần còn lại của cơ thể.
  • Nếp nhăn: Chiều dài kim 1-1,5 mm. Với chiều dài kim hơn 1 mm mình khuyên các bạn nên đến bác sĩ thẩm mỹ để đạt được hiệu quả tốt hơn, tránh gây tổn thương và an toàn hơn cho da. Lăn kim là một lựa chọn cho những người có làn da quá mỏng khi mà không điều trị được bằng laser.
  • Da lỏng lẻo: Chiều dài kim 1,5 mm. Bạn có thể cải thiện làn da lỏng lẻo bất cứ nơi nào trên cơ thể bao gồm cả cổ, ngực, mặt sau của cánh tay, bụng, đùi… Trong giai đoạn đầu của tình trạng da lỏng lẻo có thể bị chậm, trì hoãn hoặc gây ra vết nhăn, đối với khu vực nhạy cảm, da mỏng như cổ chẳng hạn thì chỉ cần chiều dài kim là 0,5 mm.
  • Lão hóa da: Chiều dài kim 1,0 đến 1,5 mm.
  • Sắc tố da không đồng đều: Chiều dài kim 0,5 mm đến 1,0 mm (không được sử dụng trên các nốt ruồi).
  • Sẹo: Chiều dài kim 1,5mm với mật độ chậm.
  • Rạn da: có thể được phục hồi một phần, hầu hết thì không thể hết hoàn toàn.
  • Sẹo mụn sâu: Chiều dài kim 1.5 mm thường không đủ, chiều dài cần thiết phải là 2,5 mm, nhưng với chiều dài kim như thế này thì không thể làm an toàn tại nhà được, các bạn cần đến spa, clinic có bác sĩ uy tín để thực hiện.

III/ NHỮNG AI KHÔNG THỂ DÙNG PHƯƠNG PHÁP LĂN KIM

A/ Những trường hợp sau đây chống chỉ định hoặc cẩn thận khi dùng phương pháp lăn kim:

  • Sẹo lồi
  • Eczema, Psoriasis, mụn đang sưng, Rosacea, hoặc tình trạng da mãn tính khác
  • Actinic (Solar) Keratosis
  • Tiểu đường (vết thương chậm hồi phục)
  • Nốt ruồi nổi, mụn cóc, hoặc vùng da đang bị tổn thương
  • Herpes Simplex hoặc nhiễm Zoster (lăn kim có thể sẽ làm lan truyền nhanh hơn)
  • Mẹ có thai hoặc cho con bú (lăn kim với chiều dài thích hợp có thể tạo ra collagen, quá trình tạo ra collagen thì có thể sẽ ảnh hưởng đến lượng vitamin và dưỡng chất khi nuôi em bé trong bụng hoặc trong sữa mẹ)

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

 B/ Những trường hợp sau đây 100% chống chỉ định tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp lăn kim

Mình để tiếng Anh cho các bạn tham khảo cho chính xác vì có thể mình dịch ra tiếng Việt từ chuyên khoa không chính xác lắm.

  • Scleroderma – Xơ cứng bì
  • Blood clotting problems – Tình trạng máu không đông
  • Collagen vascular diseases – Các bệnh mạch máu collagen
  • Cardiac abnormalities – Bất thường về tim mạch
  • Immunosuppression – Ức chế miễn dịch
  • Active bacterial or fungal infections – Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm
  • Scars less than 6 months old – Sẹo dưới 6 tháng tuổi
  • Facial Botox or fillers injected within the last 6 weeks – Tiêm botox hoặc filler trong vòng 6 tuần trở lại

IV/ CÓ NÊN SỬ DỤNG LĂN KIM HẰNG NGÀY?

Câu trả lời cho vấn đề này KHÔNG NÊN. Nếu bạn sử dụng hằng ngày thì lăn kim sẽ tạo ra vết thương trên da của bạn, sau khi khi lăn kim thì da cần thời gian phục hồi chứ không thể lành ngay được.

Vấn đề thứ 2 là mình khuyến cáo không nên tự ý lăn kim ở nhà mà nên đến clinic hoặc spa có bác sĩ uy tín, một khi bạn sử dụng lăn kim ở nhà thì nguy cơ lạm dụng rất cao, chưa kể đến nhiễm trùng da nếu bạn không biết cách tiệt trùng.

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

V/ LĂN KIM CÓ THẬT SỰ GIÚP TĂNG CƯỜNG SỰ XÂM NHẬP CỦA CÁC THÀNH PHẦN

Mình nghĩ đây là vấn đề các bạn rất quan tâm, vì hầu hết các bạn đặt câu hỏi cho mình đều hỏi đến vấn đề này. Trong quá trình tìm hiểu lâu nay thì mình rút ra được câu trả lời sau đây:

Xét về vấn đề thành phần chăm sóc da thâm nhập “sâu hơn” bằng cách lăn kim thì mình tìm rất nhiều tài liệu nhưng hầu hết không thấy nhắc đến, một số khác có nhắc đến thì khẳng định đây là một khái niệm đáng ngờ vực, ít được nghiên cứu và phần lớn các nghiên cứu này được 1 lượng nhỏ người và thường được thực hiện bởi những người (ngay cả các bác sĩ) đại diện cho các công ty bán những công cụ này. Bởi vậy việc sử dụng lăn kim ở nhà với mức độ thường xuyên như mình đã nói bên trên thì nguy cơ da liên tục bị thương đó là kết quả tất yếu.

Fierybread - Lan kim - Derma roller - Derma pen

Vấn đề thứ hai là liên quan đến các thành phần chăm sóc sẽ được hấp thụ sâu vào da? Chắc hẳn bạn đã từng nghe dùng lăn kim để cải thiện và tăng sự xâm nhập của tất cả mọi thứ từ Vitamin C, Retinoids, Hyaluronic acid, thậm chí còn tuyên bố rằng các tế bào gốc và các yếu tố tăng trưởng có thể được sử dụng ở nhà với các thiết bị này có thể hấp thụ vào da. Các tài liệu mình đọc, kể cả FDA đều nhắc đến là các tế bào gốc không thể làm việc khi bôi trực tiếp lên da bằng phương pháp này, nó không những thực sự lãng phí thời gian và tiền bạc mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.

Bạn lăn kim với mong muốn các thành phần chăm sóc da sẽ xâm nhập sâu vào da để tốt hơn thì có chút không logic ở đây vì các thành phần như: chất chống oxy hóa, hoạt tính chống nắng… phải ở trong các lớp trên cùng của da mới có thể bảo vệ da chống lại các tác nhân bên ngoài.

Ngoài ra bạn còn có nguy cơ nhận được các thành phần không mong muốn (như chất bảo quản hoặc chiết xuất thực vật có vấn đề không được chứng nhận organic) thấm sâu hơn vào da, mà tác động tiêu cực của nó gây ra có thể tồi tệ hơn. Hoặc ngay cả thành phần có lợi như axit hyaluronic, vitamin C hoặc retinol thì sản phẩm bạn nên dùng phải có nguồn gốc chất lượng, được bảo quản an toàn, trường hợp thứ 2 thì có thể sẽ khiến “nhạy” hơn nếu nó xâm nhập qua vết thương (bạn lăn kim với tần xuất nhiều hằng ngày sẽ gây ra vết thương) thì vô tình bạn sẽ khiến tình trạng da của bạn trở nên nhạy cảm và dễ phản ứng hơn.

VI/ TỔNG KẾT

Nói tóm lại, phương pháp lăn kim là một phương pháp “thẩm mỹ” da tốt hay xấu phụ thuộc vào cách mà chúng ta sử dụng. Mình nghĩ các bạn không nên tự lăn kim ở nhà mà nên đến các clinic, spa có các bác sĩ uy tín để được tư vấn và thực hiện là cách tốt nhất để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả. Tuyệt đối không nên quá lạm dụng hay “thần thánh” hoá lăn kim có thể giải quyết mọi vấn đề của da. Các bạn nên nhớ muốn có một làn da đẹp và duy trì điều đó thì cần cả một quá trình lâu dài, tiếp diễn chứ không thể dựa vào 1 hộp kem hay 1 phương pháp điều trị được.

Hy vọng bài viết này sẽ có ích đối với các bạn. Chúc các bạn luôn xinh.

Nếu thích các bạn đừng quên Like và Share nhé.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Dogra S, Yadav S, Sarangal R. Microneedling for acne scars in Asian skin type: an effective low cost treatment modality. J Cosmet Dermatol. 2014;13(3):180-7.
  2. Liebl H, Kloth L. Skin cell proliferation stimulated by microneedles. J Am Coll Clin Wound Spec. 2012;4(1):2-6.
  3. Chawla S. Split Face Comparative Study of Microneedling with PRP Versus Microneedling with Vitamin C in Treating Atrophic Post Acne Scars. J Cutan Aesthet Surg. 2014;7(4):209-212.
  4. Lodish H, Berk A, Zipursky SMP, Baltimore D, Darnell J. Molecular Cell Biology. New York: W. H. Freeman; 2000. p. Section 22.3.
  5. Robins, SP et. al., J Invest Dermatol. 2003 Aug;121(2):267-72.
  6. Cahill E, O’Cearbhaill E. Toward Biofunctional Microneedles for Stimulus Responsive Drug Delivery. Bioconjug Chem
  7. Al-Qallaf B, Das D. Optimizing microneedle arrays to increase skin permeability for transdermal drug delivery. Ann N Y Acad Sci. 2009;1161:83-94.
  8. Narayan R. Transdermal delivery of insulin via microneedles. J Biomed Nanotechnol. 2014;10(9):2244-60.
  9. Zhang H, Zhai Y, Yang X, Zhai G. Breaking the skin barrier: achievements and future directions. Curr Pharm Des. 2015;21(20):2713-24.
  10. Seo K, Kim D, Lee S, Yoon M, Lee H. Skin rejuvenation by microneedle fractional radiofrequency and a human stem cell conditioned medium in Asian skin: a randomized controlled investigator blinded split-face study. J Cosmet Laser Ther. 2013;15(1):25-33.

 

 

 

You Might Also Like

4 Comments

  • Reply
    Kenbi
    March 13 at 1:02 am

    chào chị xih! hihi! e rất thích c! c có nghe nói lăn kim giúp trị mụn ẩn giải độc kem trộn chưa ạ? e có đc 1 spa tư vấn cho nvay nhưg e k tin lắm! e có mụn ẩn do kt de lại. e định uống trà thải độc hoặc tới bsi da liễu HN. mong c cho e ý kiến ạ?

  • Reply
    Mala
    May 10 at 1:31 pm

    Dạ c cho e hỏi phương pháp lăn kim này có giúp trị thâm do mụn đc k ạ. E cảm ơn c

  • Reply
    Dung
    June 26 at 7:48 pm

    Chị cho e hỏi e bị sẹo lồi ở mũi do mụn. E cũng ko rõ có phải sẹo hay ko nhưng trc đó n là 1 vết mụn rất to sau 1 thời gian n tự xẹp nhg ko xẹp hẳn mà để lại 1 vết lồi khá to và mãi ko hết. Có cách nào chữa trị ko ạ??

  • Reply
    Nga
    November 16 at 11:07 pm

    Chị cho em hỏi nếu lăn kim bằng tay như vậy mà sau 2 tuần vẫn còn vết thương giả đó trên mặt thì da có bị sao k ạ?? Và có lạnh lại không chị

  • Leave a Reply